Bình Thuận xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản

Bình Thuận xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản

Xuất khẩu thanh long chính ngạch của tỉnh Bình Thuận vừa tiến thêm một bước rất quan trọng. Mặt hàng nông sản chủ lực này được xuất ổn định với số lượng lớn sang thị trường Nhật Bản. Kết quả này mở ra nhiều triển vọng mới, hạn chế dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro.

Với bản hợp đồng được ký kết, thanh long Bình Thuận đã tạo được một chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản và có cơ hội khẳng định thương hiệu, cạnh tranh sòng phẳng với các loại trái cây khác. Đây là một thị trường rất khó tính, với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam - Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Nông Sản Hồng Ân, đứng chân ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và đối tác Nhật Bản đã phải trải qua nhiều giai đoạn khảo sát, đàm phán, thương thảo. Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng tham gia tích cực vào quá trình này. Trái thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có trọng lượng từ 300 gram trở lên; đồng thời phải đạt tiêu chuẩn của nước sở tại về dư lượng hóa chất. Toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình xử lý được các chuyên gia của phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát rất chặt chẽ.

Theo hợp đồng được ký kết, mỗi năm sẽ có 3.000 tấn thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Nhật Bản. Đơn hàng đầu tiên hơn 03 tấn mang tính khảo sát, đánh giá chất lượng. Các lô hàng được vận chuyển bằng đường biển đến Nhật Bản trong vòng 07 ngày. Khi mọi việc thuận lợi, những chuyến hàng tiếp theo sẽ lớn hơn rất nhiều và trái thanh long có mặt trong các siêu thị của quốc gia Đông Á này.
Như vậy, thị trường xuất khẩu thanh long Bình Thuận đã có một bước đột phá quan trọng vào thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Trước đây, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu thanh long vào một trong bốn hòn đảo chính của nước này với sản lượng khoảng 800 tấn/năm. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.

Sản lượng thanh long của Bình Thuận trên 500.000 tấn/năm. Hiện tại, xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch thì Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu của trái thanh long Bình Thuận. Hợp đồng mua bán thanh long giữa doanh nghiệp Việt Nam và phía Nhật Bản có giá trị 5 năm, mỗi năm xuất 3.000 tấn. Như vậy, để ổn định đầu ra loại trái cây chủ lực này cần nhiều hơn nỗ lực xúc tiến, quảng bá, mở thêm các thị trường mới.

Nhật Huy