Sản xuất và phát triển thị trường thanh long bền vững
Sáng ngày 15-5, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận tổ chức "Hội nghị sản xuất và phát triển thanh long bền vững".Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chế biến Nông lâm sản, Hiệp hội rau quả, Hội làm vườn, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền nam, các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến thanh long. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, sản xuất thanh long đã có những bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế các địa phương, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người trồng thanh long. Theo số liệu của Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiện nay, diện tích thanh long cả nước đạt hơn 28.700 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 23.820 ha. sản lượng ước 520.000 tấn/năm. Bình Thuận là tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn, chiếm hơn 71% diện tích thanh long toàn quốc. Bình Thuận cũng là địa phương đẩy mạnh SX thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích năm 2013 đạt trên 7.300 ha.
Thanh long Việt Nam đã xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu (chính ngạch) trái cây tươi đạt 307 triệu USD thì thanh long chiếm tới 61,4%. Ngoài một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan… thanh long đang từng bước xâm nhập vào một số thị trường mới là Ấn Độ, New Zealand, Úc, Chi Lê tạo được sự đa dạng hóa trong cơ cấu thị trường xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên với việc tăng nhanh diện tích thanh long thì việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu là rất nan giải. Theo ông Đoàn Xuân Hòa-Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối thì chúng ta cần phải chú trọng vào việc triển thị trường nội địa, phát triển hạ tầng thương mại trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ông cho rằng: “nếu chúng ta không lo tới thị trường nội địa thì cũng rất khó để làm chỗ dựa cho xuất khẩu”.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: Các địa phương cần rà soát quy hoạch trồng thanh long trên địa bàn, xác định cụ thể diện tích phân bổ đến xã, thị trấn; gắn sản xuất-thu mua-sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tăng cường công tác quản lý chỉ đạo phát triển thanh long theo đúng quy hoạch, không phát triển tràn lan, theo phong trào…
Đại diện Cục trồng trọt cũng đề nghị, trên cơ sở dự báo thị trường, các địa phương cần có sự phối hợp, thống nhất để định hướng sản xuất thanh long rải vụ đạt hiệu quả cao. Bố trí quy mô diện tích, sản lượng, thời gian rải vụ thu hoạch phù hợp. Thực hiện tốt quy trình sản xuất thanh long an toàn theo các cấp độ VietGap, GlobalGap; đa dạng hóa cơ cấu giống; đa dạng hóa sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển thanh long an toàn bền vững…
Việc phát triển thanh long trên một số loại đất trồng khác cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận Mai Kiều cho biết, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều diện tích đất lúa 2,3 vụ đã được người dân sử dụng để trồng thanh long trong những năm trước đây. Để nông dân yên tâm sản xuất, đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT kiến nghị với Trung ương cho Tỉnh sử dụng linh hoạt diện tích đất này trồng thanh long nhằm tăng thu nhập cho người dân nhưng vẫn giữ đất lúa, đồng thời cam kết bảo đảm năng lực sản xuất lúa về lâu dài, không để thoái hóa đất.
Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện sâu bệnh hại trên thanh long, đặc biệt là bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng quả thanh long. Các thị trường nhập khẩu thanh long Việt Nam đều đã áp dụng các rào cản về kiểm dịch thực vật tùy theo mức độ khác nhau. Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đề nghị: các địa phương, đơn vị áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp, đảm bào yêu cầu của các nước nhập khẩu, đảm bảo uy tín quả thanh long Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng ngay các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhập khẩu của Việt nam nhằm đảm bảo mức độ bảo vệ thích hợp theo đúng quy định và tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch thực vật để làm công cụ pháp lý mạnh và hữu hiệu của Việt Nam trong việc hỗ trợ đàm phán, giải quyết các rào cản kỹ thuật.
Cây thanh long là cây ăn quả xuất khẩu số một của Việt Nam và là cây được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, trong sản xuất còn tồn tại nhiều hạn chế khiếm khuyết cần phải được nghiên cứu khắc phục, nhằm đi theo hướng chất lượng cao và tăng tính cạnh tranh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền nam đề xuất, cần phải đa dạng về giống, màu sắc, chủng loại, cần làm mới thị trường; về mặt canh tác cần phải nghiên cứu những vướng mắc về phân bón, chất kích thích sinh trưởng, sử dụng hiệu quả nước tưới, tránh ô nhiệm môi trường, thiết kế mới vườn trồng thanh long giúp tăng năng suất, chất lượng trái thanh long; tập trung giải quyết bệnh đốm trắng nên có giải pháp lâu dài, căn cơ; cần kéo dài thời gian bảo quản trái tươi và đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Thanh long được coi là một cây hàng hóa, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nên chúng ta phải có một cách nhìn lâu dài và cả hệ thống. Chính vì thế để cho cây thanh long phát triển bền vững, vừa có thị trường, vừa có hiệu quả, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu, chúng ta phải phát triển bền vững từ vấn đề quy hoạch đến vấn đề tổ chức sản xuất và vấn đề kỹ thuật. Đặc biệt đây là cây xuất khẩu, nên phải gắn kết được sản xuất với bảo quản, với thị trường xuất khẩu, phát triển thanh long theo chuỗi giá trị”.
Tác giả: Đình Châu